Dragon Capital Vietfund Management (DCVFM) | Cập nhật hoạt động quỹ

Hỗ trợ nhanh
Hotline
1800 1203

Trong khủng hoảng có mầm hưng thịnh

04/01/2009

Năm 2008 – một năm buồn nhiều hơn vui trên TTCK. Nền kinh tế khó khăn, “hàn thử biểu” lập tức phản ánh khó khăn. Nhưng như người ta thường nói, trong khó khăn có cơ hội và trong khủng hoảng cũng có cái mầm của sự hưng thịnh. TTCK sau nhiều thăng trầm, sẽ dần trưởng thành và sự thành công luôn ở đó chờ những nhà đầu tư biết kiên nhẫn và nắm bắt.

2009 – Giá đồng vốn rẻ đi

Những thông tin vĩ mô cho thấy nền kinh tế trong nước đã bước đầu đi vào ổn định. Đầu tiên phải kể đến mức lạm phát cao kỷ lục của năm 2008 vào khoảng 22% nhưng hiện đã có xu hướng giảm dần và dự báo sẽ thấp hơn rất nhiều trong năm 2009, có thể xuống mức một con số – dấu hiệu tích cực cho cả nền kinh tế.

Thứ hai, khác với chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt trong năm 2008 vừa qua là những động thái tăng cung tiền nhiều hơn cho nền kinh tế nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể là với gói giải pháp kích cầu đầu tư có thể lên tới 6 tỷ USD, rồi tới quyết định giảm 30% thuế thu nhập DN từ quý 4/2008 cùng với việc duy trì 20-30 ngàn tỷ đồng cho DN vay ưu đãi.

Thứ ba, song song với đó, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng với việc liên tục ban hành các quyết định giảm lãi suất cơ bản, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi tại các tổ chức tín dụng cũng giảm, kéo theo mặt bằng lãi suất trên thị trường giảm mạnh. Hơn nữa, thuế thu nhập DN năm 2009 cũng sẽ giảm xuống mức 25%, do đó phần lợi nhuận sau thuế của DN sẽ được giữ lại DN để dành cho đầu tư phát triển nhiều hơn.

Những điều này khiến giá cả của đồng vốn đã rẻ đi nhiều, tạo cơ hội cho các DN, người dân có khả năng tiếp cận nguồn vốn. Do đó nhà đầu tư có thể kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực cho TTCK.

2009 – Gạn đục khơi trong
Năm 2009 là năm mà hệ thống luật pháp sẽ được rà soát lại và có những cải tiến để tối ưu và khả thi hơn. Các quy định sẽ ban hành để phát triển và kiểm soát các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản, ngoại tệ, các sàn giao dịch phái sinh hàng hóa như cà phê, chè, gạo… một cách hiệu quả hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư. Trước hết là các quy định về mua ký quỹ được áp dụng giúp thúc đẩy thị trường và phát triển nhà đầu tư. Sau đó là các quy định về quản lý, giám sát thị trường, công bố thông tin, đào tạo nâng cao chất lượng nhà đầu tư…

Sang năm mới, các Cty chứng khoán cũng sẽ thu hẹp về số lượng và quy mô nhưng sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ để phát triển theo chiều sâu. Đó là mở đầu cho việc nghiên cứu tạo ra các sản phẩm phái sinh ở dạng thấp, có thể là sản phẩm tài chính liên kết đầu tư như ngân hàng và bảo hiểm (bankinsurance), chứng khoán được đảm bảo bằng vàng, bằng hàng hóa, và xa hơn sẽ là sản phẩm tài chính ba trong một gồm: chứng khoán – bất động sản – vàng…

2009 – Có thể kém về lượng nhưng vốn ngoại tăng về “chất”

Về vốn ODA, hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), diễn ra ngày 5/12 đã kết thúc với cam kết hơn 5 tỷ USD dành cho Việt Nam trong năm 2009. Về vốn FDI, năm 2008 có khoảng 11 – 11,5 tỷ USD vốn này được thực hiện. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do dòng vốn đăng ký giai đoạn 2007-2008 đều ở mức cao và vì có độ trễ nên các dự án này triển khai sẽ rơi vào năm 2009 và các năm sau. Do vậy, trong điều kiện thuận lợi thì dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI vẫn sẽ tiếp tục giải ngân theo tiến độ với các dự án đã cam kết nhưng đầu tư các dự án mới sẽ giảm và có xu hướng chững lại. Có thể nói vốn thực hiện năm 2009 có thể đạt cao nhất so với các năm trước mặc dù tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký vẫn có xu hướng giảm do tốc độ tăng vốn đăng ký cao hơn nhiều so với vốn thực hiện. Chính vì thế, dự báo dòng vốn FDI mới vào năm 2009 không nhiều nhưng sẽ có chất lượng hơn và sẽ chú trọng vào hệ thống cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, trọng điểm, sử dụng công nghệ cao và có khả năng tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh.

Về vốn FPI, đây là luồng vốn nóng, thường chảy vào cũng như rút ra rất nhanh. Chẳng hạn như năm 2007 là năm đột phá trong thu hút dòng vốn FPI với mức tăng trưởng tới 330% thì trong những tháng cuối năm qua, dòng vốn này đã bắt đầu rút ra mạnh. So sánh trong bối cảnh hiện nay, TTCK Việt Nam vẫn bị coi là đắt tương đối với các thị trường khác nên chưa thực sự hấp dẫn dòng vốn gián tiếp FPI đổ vào. Tuy nhiên, FPI có thể quay trở lại vào cuối năm 2009 khi tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì, hệ thống chính sách, pháp luật quản lý thị trường đồng bộ, hiệu quả và khi TTCK khởi sắc hơn.

Cuối cùng là bất ngờ về nguồn kiều hối năm 2008 vẫn tăng nằm ngoài dự báo dù kinh tế đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng như các Cty kiều hối cho rằng, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và lãi suất các ngân hàng trong nước hiện đang giảm mạnh sẽ không hấp dẫn kiều bào chuyển tiền về gửi tiết kiệm, nên năm 2009 tới, lượng kiều hối sẽ giảm.

2009 – Cho dù sóng gió chưa hẳn yên

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhập khẩu năm 2009 không tăng đột biến như năm 2008. Kim ngạch nhập khẩu năm 2009 vẫn được dự kiến ở mức 84 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhập siêu do đó sẽ vẫn duy trì ở mức khá cao 17-18 tỷ USD, tương đương với 2008.

Chính sách tỷ giá có thể được nới lỏng hơn vì mục tiêu xuất khẩu, và do vậy, một số nhận định cho rằng khả năng VND sẽ mất giá khoảng 3,5 – 5% so với USD, tỷ giá VND/USD sẽ tăng dần và đạt mức đỉnh 18.000 – 18.200 VND/USD cuối quý 2/2009 và giảm dần về mức 17.600 – 17.800 vào cuối năm. Do vậy, nếu dự báo này là đúng, thì một lượng tiền có thể sẽ được đổ vào đầu cơ USD để kiếm lời từ việc mất giá của tiền đồng.

Năm 2009 TTCK sẽ thực sự chịu tác động từ Luật thuế thu nhập cá nhân trong đó có thu nhập từ chứng khoán. Đối với một thị trường mới nổi, quy mô nhỏ như Việt Nam, đây vẫn sẽ là một quyết định ít nhiều ảnh hưởng tới biến động ngắn hạn của thị trường trong năm 2009. Giới đầu tư vẫn đang hi vọng vào một quyết định sớm từ Quốc hội tạm hoãn áp dụng thuế này đối với thu nhập từ chứng khoán.

Cùng với đó là việc cổ phần hóa và IPO các DN nhà nước vẫn sẽ phải tiến hành theo đúng lộ trình. Số lượng các Cty niêm yết sẽ tăng lên, thị trường sẽ ngày càng có thêm nhiều hàng hóa mới.

Năm 2009 cũng cho thấy sự ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và ba trụ cột kinh tế gồm Mỹ, EU và Nhật Bản gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh doanh của các DN, do đó gián tiếp tác động tới TTCK trong nước. Ngoài ra, sự cạnh tranh với chứng khoán từ kênh đầu tư vàng “bảo toàn vốn, an toàn thời khủng hoảng” sẽ khiến dòng vốn bị chia sẻ. Chính sự phát triển của hình thức đầu tư này sẽ có thể tạo một dòng vốn chảy liên tục từ chứng khoán sang vàng và ngược lại trong năm mới này.

2009 – Hi vọng một ngày mai sáng hơn

Trải qua một năm đầy vất vả, bước sang năm mới, hi vọng về một khởi đầu mới với cái nhìn lạc quan hơn, bởi có lẽ, ai cũng đang giữ một niềm tin giản dị rằng giai đoạn khó khăn nhất đã và đang dần qua. Tâm lý chuẩn bị sẵn sàng trước những “kịch bản xấu nhất” là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế, đối với TTCK trong giai đoạn này. Năm 2009 có thể là năm bản lề cho những cải cách trong các chính sách phát triển kinh tế, thu hút vốn, đặc biệt đối với TTCK nhằm đạt được mục tiêu tới năm 2010 thì giá trị vốn hóa của thị trường sẽ chiếm khoảng 50% GDP tiến tới chiếm 70% GDP vào năm 2020.
Nguồn: Thu Phương (DĐDN)