Dragon Capital Vietfund Management (DCVFM) | Cập nhật hoạt động quỹ

Hỗ trợ nhanh
Hotline
1800 1203

Thế giới có nhiều quỹ hưu trí tỷ đô, Việt Nam phải có

17/06/2021

Thế giới có nhiều quỹ hưu trí tỷ USD, Việt Nam chắc chắn phải có

Sinh ra một con người cần 9 tháng 10 ngày, nhưng để sinh ra một loại hình quỹ mới, Dragon Capital đã mất mười mấy năm. Dù mất nhiều năm, nhưng đó là một hành trình hạnh phúc.

NGƯỜI GIEO “HẠT VỐN” ĐẦU TIÊN…

“Hưu trí an vui” là chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Tài chính cấp phép ngày 15/5/2019. Sản phẩm bổ sung thu nhập cho người lao động đến tuổi về hưu dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân, được đầu tư và tích lũy theo quy định pháp luật. Người gieo “hạt vốn” đầu tiên cho quỹ này là ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam. Ông tin rằng, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm tài chính hữu ích và minh bạch cho người lao động và người sử dụng lao động. “Thế giới có những quỹ hưu trí tỷ USD và Việt Nam chắc chắn phải có những quỹ như thế này”, ông Dominic nói.

Dominic Scriven là cái tên đã trở nên quen thuộc với các thành viên trên thị trường tài chính Việt Nam. Một phần có lẽ bởi ông Dominic là người nói tiếng Việt giỏi như… người Việt. Phần khác, đến từ sự gắn bó và tâm huyết ông dành cho thị trường vốn Việt Nam. Ông đến Việt Nam lần đầu tiên vào giữa năm 1991 khi đang làm việc cho một công ty tài chính của Anh tại Hồng Kông và chuyến đi đó đã thay đổi cả cuộc đời Dominic Scriven.

Giáng sinh năm 1991, ông đến Việt Nam lần hai và cảm nhận về niềm tin mãnh liệt rằng, đất nước Việt Nam sắp phát triển, ông sẽ có cơ hội cho chính mình. Năm 1992, Dominic quyết định đăng ký học tiếng Việt tại Trường Đại học tổng hợp Hà Nội, vừa học tiếng, vừa tranh thủ tìm hiểu về đời sống, lịch sử, văn hóa và cách làm kinh tế của người Việt Nam. Năm 1994, thôi thúc bởi phải đón đầu, khai thác tiềm năng của thị trường chứng khoán trong tương lai, ông đã cùng vài người bạn quyết định thành lập công ty đầu tư tài chính tại Việt Nam, đó là Dragon Capital.

Từ số vốn ban đầu 16,5 triệu USD, Dragon Capital ngày nay đã trở thành quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường tài chính Việt Nam, quản lý trên 4 tỷ USD. Với vốn tiếng Việt lưu loát, Dominic Scriven tham gia rất nhiều mảng việc trong nỗ lực xây dựng thị trường tài chính Việt. Đến năm 2014, ông là người nước ngoài được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, xây dựng thị trường tài chính Việt Nam. Trong ký ức của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên, TSKH. Lê Văn Châu, Dragon Capital gia nhập sớm nhất và đây cũng là quỹ đầu tư ngoại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép đầu tiên. “Trong thâm tâm tôi luôn cảm ơn sâu sắc những thành viên ban đầu của thị trường – những người đã cùng chúng tôi đặt nền móng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong buổi đầu trứng nước, với muôn vàn ngỡ ngàng, gian khó”, TSKH. Lê Văn Châu viết trong một cuốn sách sắp xuất bản, ghi dấu ấn 25 năm ngành chứng khoán Việt Nam.

Thế giới có nhiều quỹ hưu trí tỷ USD, Việt Nam chắc chắn phải có

Nếu như người đứng đầu ngành chứng khoán dành sự trân trọng và cảm ơn đến những thành viên đầu tiên, trong đó có Dragon Capital, khi nhìn lại chặng đường 25 năm tạo dựng nền chứng khoán Việt Nam từ số 0 đến quy mô 299 tỷ USD hiện tại, thì chắc chắn người sáng lập Dragon Capital cũng mang trong tâm mình lời cảm ơn sâu sắc đến những người gieo “hạt vốn” đầu tiên cho Quỹ Dragon Capital hình thành từ 27 năm về trước. Những “hạt vốn” đầu tiên gieo nên Dragon Capital đến từ mẹ, đến từ bố, từ em gái, người thân và những bạn bè của Dominic Scriven. Họ đã góp không chỉ tài chính mà góp niềm tin và cả tình thương mến cho chàng trai 24 tuổi hồi đó, có cơ hội sáng lập và sau đó dẫn dắt Dragon Capital suốt 27 năm qua.

Trong 7 năm đầu hoạt động, với định hướng đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nâng cao sức cạnh tranh bằng nội lực của chính mình, nhưng do nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998, nên đã có lúc Dragon Capital rơi vào thua lỗ. Ông Dominic từng tâm sự với mẹ của mình rằng: “Mẹ ơi, vì điều kiện hơi khó khăn nên chúng ta đã mất một phần ba số tiền đầu tư rồi”…

Đến năm 2000, TTCK Việt Nam ra đời và theo thời gian, thị trường dần định hình được con đường phát triển, Dragon Capital nâng dần số vốn huy động lên hàng trăm, rồi cả tỷ USD đầu tư vào Việt Nam và đạt được những thành quả xứng đáng. Với tư duy xây dựng doanh nghiệp, xây dựng sự chuyên nghiệp và giá trị mới cho thị trường tài chính Việt, Dragon Capital đã giúp rất nhiều doanh nghiệp phát triển và thành danh trong nền kinh tế. Các sản phẩm tài chính cao cấp hơn, đặc biệt là sản phẩm quỹ như quỹ đóng, quỹ mở, quỹ ETF…, có tâm sức không nhỏ từ tổ chức tài chính đầu tiên tìm vốn và gieo vốn vào thị trường tài chính Việt Nam.

VIỆT NAM SẼ CÓ QUỸ HƯU TRÍ TỶ USD

Ở tuổi 58, Dominic Scriven quyết định góp vốn vào chương trình “hưu trí an vui” của chính Công ty mình tạo dựng, khiến những người biết về ông cảm thấy ký ức về những hạt vốn đầu tiên thành lập nên Dragon Capital một lần nữa như lặp lại. Nếu như không có sự khởi đầu ấy, sẽ không thể có Dragon Capital của hôm nay và bức tranh thị trường tài chính Việt Nam sẽ khuyết một khoảng khó hình dung được.

Chuyến đi đến Việt Nam của chàng trai 24 tuổi, Dominic Scriven thời ấy như sự dẫn dắt của định mệnh thì phải chăng, định mệnh đã thôi thúc ông lần nữa, khi ông ở Việt Nam đủ lâu và đủ thấy Việt Nam thiếu hệ thống an sinh đa trụ cột, rất cần cho cuộc sống con người? Chỉ 10-15 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ đi qua lợi thế dân số vàng, lượng người già nhiều lên, gây gánh nặng cho Quỹ Bảo hiểm xã hội Nhà nước. Cách nào để tạo dựng dòng chảy tài chính mới tại Việt Nam, hỗ trợ cho cuộc sống cho người già và cũng để giảm gánh nặng cho người trẻ? Đó là điều ông và các cộng sự Dragon Capital trăn trở, nhất là khi chứng kiến nhiều nước có nền kinh tế phát triển đã làm rất tốt mảng việc này.

Thế giới có nhiều quỹ hưu trí tỷ USD, Việt Nam chắc chắn phải có

Trong ngày ra mắt quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam, 27/4/2021, ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch HĐQT Dragon Capital chia sẻ niềm hạnh phúc khi Việt Nam có quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Sản phẩm có ích cho người dân, giúp cuộc sống sung túc ở tuổi hưu nếu đầu tư sớm. Nghỉ hưu khi đó, sẽ chỉ đơn giản là mở ra một chương mới thú vị của cuộc đời khi người lao động biết lo cho mình và đặc biệt, người chủ lao động biết lo cho nhân viên của mình bằng việc bổ sung thêm một loại phúc lợi hiệu quả trong việc đãi ngộ và giữ chân nhân tài bên cạnh lương.

Theo một nghiên cứu năm 2020, mức chi trả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (khoảng 4,9 triệu đồng/người/tháng), chỉ đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản cho người được nhận. Với mức thu nhập này, người già chỉ tạm đủ lo cho cuộc sống tối thiểu, chứ khó có thể chi trả cốc bia với bè bạn, hay tính việc đi thăm thú đó, đây, du lịch. Tất nhiên, có một số người thu nhập được bù đắp từ nguồn khác, nhưng đa phần người già sẽ nhìn thấy trước tương lai kham khổ nếu không có sự tích lũy thông minh từ khi còn trẻ và chỉ trông cậy vào đồng lương hưu sau này.

Thế giới có nhiều quỹ hưu trí tỷ USD, Việt Nam chắc chắn phải có
Các mốc thời gian trong cuộc đời gắn với dòng chảy tài chính cá nhân

Thời gian là bánh xe vô tình liên tục chuyển động trong chiều dài cuộc đời của tất cả mọi người. Đến năm 2035, dải dân số vàng, khoảng 35% dân số đang ở độ tuổi lao động hiện nay, sẽ bước vào tuổi già và đó là điều không thể khác. Tại các quốc gia trên thế giới, họ đã sớm nhận ra khoảng hụt của người già và định hình nên hệ thống hưu trí gồm 3 loại hình phổ biến, đó là hệ thống hưu trí dưới dạng phân bổ, Nhà nước “lấy thu để bù chi”; hệ thống hưu trí tích lũy và thứ ba là hệ thống hưu trí kiểu hỗn hợp. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu và tư vấn quốc tế Willis Towers Watson, tính đến đầu năm 2017, có 300 quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, quản lý một lượng tiền lên tới 15,73 nghìn tỷ USD. Trong số 300 quỹ này có 134 quỹ thuộc Mỹ, 26 quỹ thuộc Anh, Canada có 18 quỹ và Nhật Bản, Australia mỗi nước có 16 quỹ.

Tại Việt Nam, hưu trí bổ sung tự nguyện vẫn là một ý niệm mới với đại đa số người dân, nên chưa thể mong gì có quỹ tỷ USD trong tương lai vài năm tới. Tuy nhiên, báo chí đã đăng tin vui về việc Việt Nam lần đầu tiên có quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, dù quy mô ban đầu còn quá nhỏ và người góp vốn với tư cách cá nhân mới có… ông Dominic Scriven. Khó là như vậy, nhưng còn những việc khó hơn ông và các cộng sự đã làm được, đó là định hình con đường cho loại quỹ ấy. Đó là một cuộc “vượt cạn” kéo dài nhiều năm. “Sinh ra một con người cần 9 tháng 10 ngày, nhưng để sinh ra một loại hình quỹ mới, chúng tôi đã mất mười mấy năm”, ông Trần Thanh Tân chia sẻ. Dù mất nhiều năm, nhưng đó là một hành trình hạnh phúc, vì sản phẩm được tạo ra cung cấp một công cụ hữu ích cho tương lai người tham gia và hy vọng sẽ góp phần cải thiện trụ cột thứ hai, trụ cột thứ ba về hệ thống an sinh xã hội mà Việt Nam đang thiếu hụt.

Thế giới có nhiều quỹ hưu trí tỷ USD, Việt Nam chắc chắn phải có

Góp tiền vào chương trình “Hưu trí an vui” tại Việt Nam, ông Dominic Scriven chia sẻ niềm vui tạo dựng con đường mới. “Ở các quốc gia phát triển, chương trình hưu trí tự nguyện được các công ty áp dụng rộng rãi như một phần của chính sách phúc lợi, tạo cho người lao động cơ hội để tiết kiệm, ổn định khi đến tuổi về hưu. Hy vọng sẽ có nhiều các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam cùng tham gia. Với chế độ phúc lợi tốt người lao động cảm thấy đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác”, ông nói.

Lịch sử sẽ có ngày ghi lại cuộc hành trình mười mấy năm mở đường cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam, nhưng trong ngày đầu ra mắt, không ít người cứ thắc mắc rằng: Một loại hình quỹ hữu dụng như vậy, tại sao lại cần hơn 10 năm để ra đời ở Việt Nam? Một câu hỏi khác, rằng, nền tảng pháp lý đến nay đã đủ, liệu có thể kỳ vọng nhiều quỹ hưu trí bổ sung sẽ ra đời và nhiều người dân Việt Nam sẽ góp vốn? Mang khát vọng Việt Nam sẽ có quỹ hưu trí bổ sung tỷ USD như quốc tế, nhưng vào ngày quỹ ra mắt, ông Dominic chỉ chia sẻ cái nhìn hết sức khiêm tốn. “10 năm nữa chúng ta nhìn lại xem thành lập quỹ hưu trí có đúng hay không”.

Ở các quốc gia phát triển, chương trình hưu trí tự nguyện được các công ty áp dụng rộng rãi như một phần của chính sách phúc lợi, tạo cho người lao động cơ hội để tiết kiệm, ổn định khi đến tuổi về hưu.

Ông Dominic không nói ra, nhưng trong ngành quỹ, có lẽ nhiều người hiểu rõ loại hình quỹ này chịu nhiều ràng buộc trong hoạt động huy động vốn và đầu tư. Luật Bảo hiểm xã hội cùng Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa trụ cột tại Việt Nam ra đời từ năm 2014, sau đó, đến năm 2016, Việt Nam có Nghị định và Thông tư hướng dẫn về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, nhưng đến năm 2021, Việt Nam mới có sản phẩm đầu tiên ra mắt công chúng. Quan sát của người viết cho thấy, Việt Nam có trên 40 công ty quản lý quỹ, nhiều trong số đó cũng rất muốn xây sản phẩm quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Nhưng như chia sẻ riêng của một số CEO trong ngành, quy định pháp lý quá chặt và nhà quản lý quỹ phải chấp nhận bỏ ra chi phí lớn hơn số phí thu về ít nhất 3 năm, nên chưa sẵn sàng cho việc xây mới sản phẩm này.

Ông Dominic từng tạo dựng Dragon Capital từ những đồng vốn nhỏ, để đi đến quỹ có quy mô quản lý trên 4 tỷ USD hiện nay. Ông gieo vốn cho “hưu trí an vui” khởi nghiệp và kiên nhẫn tin rằng, Việt Nam sẽ có quỹ hưu trí quy mô lớn bởi đó là sản phẩm thông minh trên thị trường tài chính quốc tế. Niềm tin đó xứng đáng được nhân lên khi nhìn vào cái gốc, Việt Nam đã xây thành công thị trường chứng khoán trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, bởi thị trường ấy là sản phẩm trí tuệ của loài người.

Nguồn: https://kinhtevadubao.vn/the-gioi-co-nhieu-quy-huu-tri-ty-usd-viet-nam-chac-chan-phai-co-17969-17969.html