Dragon Capital Vietfund Management (DCVFM) | Cập nhật hoạt động quỹ

Hỗ trợ nhanh
Hotline
1800 1203

Để bắt đầu hành trình đầu tư của mình, hãy cùng VFM tìm hiểu những kiến thức cần biết về quỹ đầu tư trong chuyên mục dưới đây.

QUỸ ĐẦU TƯ LÀ GÌ?

Quỹ đầu tư là một định chế tài chính trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ các nguồn khác nhau để đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, hay các loại tài sản khác. Tất cả các khoản đầu tư này đều được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và cơ quan thẩm quyền khác.

Nhà đầu tư thường hay có sự nhầm lẫn giữa quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ đầu tư. Xét về mặt chức năng, công ty quản lý quỹ là đơn vị quản lý các quỹ đầu tư, và các quỹ đầu tư có thể xem như sản phẩm dịch vụ mà công ty quản lý quỹ cung cấp cho nhà đầu tư.

Ví dụ: Công ty VFM hiện đang quản lý 6 loại quỹ đầu tư khác nhau gồm:

  1. Quỹ đầu tư Cổ phiếu Việt Nam – VF1
  2. Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam – VF4
  3. Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam – VF2
  4. Quỹ đầu tư Trái phiếu Việt Nam – VFB
  5. Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam- VFA
  6. Quỹ Hoán đổi danh mục – ETF VFMVN30

VÌ SAO NÊN CHỌN ĐẦU TƯ VÀO QUỸ ?

Đầu tư tài chính không phải là một công việc đơn giản mà đòi hỏi rất nhiều năng lực chuyên môn, kiến thức thị trường, và nhất là yếu tố thời gian. Ngoài ra có một số loại hình đầu tư như đầu tư trái phiếu, đầu tư vào bộ chỉ số thì nhà đầu tư không thể tự thực hiện được. Do đó nhà đầu tư cá nhân hay pháp nhân thường quyết định đầu tư thông qua quỹ bởi 06 yếu tố:

  1. Giảm thiểu rủi ro nhờ đa dạng hóa danh mục đầu tư
  2. Tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt các yêu cầu về lợi nhuận
  3. Được quản lý chuyên nghiệp
  4. Giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan thẩm quyền
  5. Tính năng động của quỹ đầu tư
  6. Tham gia đầu tư các sản phẩm đặc thù như trái phiếu, quỹ hoán đổi danh mục

CHỨNG CHỈ QUỸ ĐẦU TƯ

Mỗi nhà đầu tư tham gia đầu tư vào quỹ sẽ sở hữu một phần trong tổng danh mục đầu tư của quỹ. Việc nắm giữ này được thể hiện thông qua việc sở hữu các chứng chỉ quỹ đầu tư (CCQ).

Để thành lập quỹ, công ty quản lý quỹ phải phát hành CCQ. CCQ cũng là một loại cổ phiếu và có những đặc điểm của cổ phiếu. Chúng ta hãy cùng xem điểm giống và khác giữa CCQ và Cổ phiếu theo bảng dưới đây:

Giống:

  • Xác nhận quyền sở hữu
  • Hưởng lợi nhuận trên vốn góp
  • Được niêm yết trên thị trường chứng khoán (tùy vào đặc điểm của quỹ)

Khác:

  • Nhà đầu tư không có quyền biểu quyết hay sở hữu công ty quản lý quỹ
  • Mọi quyết định sẽ do công ty quản lý quỹ đảm trách

Tính hấp dẫn của CCQ nằm ở độ an toàn và tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc tự mua bán cổ phiếu vì nhà đầu tư đã có một bộ máy công ty gồm các chuyên gia đầu tư hàng đầu thực hiện việc đầu tư cho họ bằng các nguyên tắc bài bản. Nhà đầu tư chỉ cần tập trung làm các công việc chuyên môn của mình và tận hưởng thành quả từ việc nắm giữ CCQ.

Ngoài ra, xét về ý nghĩa đầu tư, thời gian quay vòng vốn và hiệu quả đầu tư là một yếu tố khiến CCQ trở nên hấp dẫn so với các kênh Vàng, Bất Động Sản hay thậm chí gửi tiết kiệm. Các loại quỹ hiện nay do VFM đang quản lý chỉ cần số vốn tối thiểu từ 1 triệu đồng là nhà đầu tư đã có thể tham gia ngay.

PHÂN LOẠI QUỸ ĐẦU TƯ

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều loại hình quỹ đầu tư căn cứ theo các tiêu chí phân loại khác nhau.

1. Căn cứ vào nguồn vốn huy động

  • Quỹ đầu tư tập thể (Quỹ công chúng)
    Là quỹ huy động vốn bằng cách phát hành rộng rãi ra công chúng. Nhà đầu tư có thể là cá nhân hay pháp nhân nhưng đa phần là các nhà đầu tư riêng lẻ. Quỹ công chúng cung cấp cho các nhà đầu tư nhỏ phương tiện đầu tư đảm bảo đa dạng hóa đầu tư, giảm thiểu rủi ro và chi phí đầu tư thấp với hiệu quả cao do tính chuyên nghiệp của đầu tư mang lại.
  • Quỹ đầu tư cá nhân (Quỹ thành viên)
    Quỹ này huy động vốn bằng phương thức phát hành riêng lẻ cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư, có thể được lựa chọn trước, là các cá nhân hay các định chế tài chính hoặc các tập đoàn kinh tế lớn, do vậy tính thanh khoản của quỹ này sẽ thấp hơn quỹ công chúng. Các nhà đầu tư vào các quỹ tư nhân thường với lượng vốn lớn, và đổi lại họ có thể tham gia vào trong việc kiểm soát đầu tư của quỹ.

2. Căn cứ vào cấu trúc vận động vốn

  • Quỹ đóng

Quỹ đóng là gì?

Đây là hình thức quỹ phát hành chứng chỉ quỹ một lần duy nhất khi tiến hành huy động vốn cho quỹ và quỹ không thực hiện việc mua lại cổ phiếu/chứng chỉ đầu tư khi nhà đầu tư có nhu cầu bán lại. Nhằm tạo tính thanh khoản cho loại quỹ này, sau khi kết thúc việc huy động vốn (hay đóng quỹ), các chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các nhà đầu tư có thể mua hoặc bán để thu hồi vốn đầu tư của mình thông qua thị trường thứ cấp.Chứng chỉ quỹ có thể được giao dịch thấp hoặc cao hơn giá trị tài sản ròng của Quỹ (NAV).
Đặc tính của Quỹ đóng

Đặc tính

Giao dịch mua/bán chứng chỉ quỹ
  • Quỹ đóng chỉ huy động vốn từ NĐT trong một giai đoạn phát hành, hoặc có thể tăng vốn theo thời điểm khác nhau.
  • CTQLQ chỉ giao dịch trực tiếp với NĐT trong thời gian huy động vốn, và khi Quỹ giải thể do hết thời hạn hoạt động.
  • Quỹ đóng được niêm yết và giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán.
  • NĐT sử dụng các dịch vụ giao dịch ccq như một chứng khoán niêm yết thông qua sàn giao dịch.
Giá giao dịch
  • Giá giao dịch mua/bán ccq  hàng ngày dựa trên giá thị trường, phụ thuộc vào lượng cung/cầu thị trường.
  • Giá giao dịch này có thể lớn hoặc nhỏ hơn giá trị NAV của Quỹ;
  • Giá trị NAV của quỹ phản ánh hiệu quả đầu tư nhưng chỉ mang tính tham khảo.
  • NĐT trả phí giao dịch chứng khoán cho công ty chứng khoán.
Phân phối
  • Việc phân phối CCQ chỉ thực hiện trong thời gian huy động lần đầu, hoặc khi tăng vốn điều lệ Quỹ thông qua công ty chứng khoán hoặc CTQLQ.
  • Quỹ mở

Quỹ mở là gì?

Quỹ mở là quỹ được thành lập với thời gian vô hạn. Sau đợt phát hành lần đầu ra công chúng, giao dịch mua/bán của nhà đầu tư được thực hiện định kỳ căn cứ vào giá trị tài sản ròng (NAV). Giao dịch này được thực hiện trực tiếp với công ty Quản Lý Quỹ hoặc tại các Đại lý chỉ định.

Khác với quỹ đóng, tổng vốn của quỹ mở biến động theo từng đợt giao dịch do tính chất đặc thù của nó – là nhà đầu tư được quyền bán lại chứng chỉ quỹ đầu tư cho quỹ, và quỹ phải mua lại các chứng chỉ theo giá trị ròng vào thời điểm giao dịch. Đối với hình thức quỹ này, các giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ được thực hiện trực tiếp với công ty quản lý quỹ và các chứng chỉ quỹ không được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đặc tính của Quỹ mở

Đặc tính

Giao dịch mua/ chuyển đổi/ bán chứng chỉ quỹ
  • Quỹ mở được huy động vốn liên tục trong quá trình hoạt động. NĐT có thể thực hiện việc mua/bán vào thời điểm định kỳ với CTQLQ.
  • NĐT có thể thực hiện việc chuyển đổi giữa các quỹ khác nhau cùng công ty quản lý quỹ.
  • Quỹ mở không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
  • CTQLQ phải cân bằng giữa tỷ lệ tiền mặt phù hợp và đảm bảo tính thanh khoản khi NĐT muốn rút vốn.
  • Quy trình quản lý quỹ phức tạp hơn vì luồng tiền được ra/vào thường xuyên – thời điểm NĐT nộp tiền/rút vốn có khả năng ảnh hưởng tới kết quả đầu tư của Quỹ;
Giá giao dịch
  • Giao dịch mua/bán ccq căn cứ vào giá trị NAV của quỹ tại thời điểm giao dịch.
  • Không có chiết khấu giữa giá giao dịch và giá trị NAV.
  • NĐT phải trả phí phát hành/phí mua lại/phí chuyển đổi cho CTQLQ khi thực hiện giao dịch.
Phân phối
  • CCQ được phân phối liên tục tại các Đại lý Phân phối (Cty Chứng khoán, ngân hàng, CTQLQ).

3. Căn cứ vào cơ cấu tổ chức và hoạt động của quỹ

  • Quỹ đầu tư dạng công ty

Trong mô hình này, quỹ đầu tư là một pháp nhân, tức là một công ty được hình thành theo quy định của pháp luật từng nước. Cơ quan điều hành cao nhất của quỹ là hội đồng quản trị do các cổ đông (nhà đầu tư) bầu ra, có nhiệm vụ chính là quản lý toàn bộ hoạt động của quỹ, lựa chọn công ty quản lý quỹ và giám sát hoạt động đầu tư của công ty quản lý quỹ và có quyền thay đổi công ty quản lý quỹ. Trong mô hình này, công ty quản lý quỹ hoạt động như một nhà tư vấn đầu tư, chịu trách nhiệm tiến hành phân tích đầu tư, quản lý danh mục đầu tư và thực hiện các công việc quản trị kinh doanh khác. Mô hình này chưa xuất hiện ở Việt Nam bởi theo quy định của UBCKNN, quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân.

  • Quỹ đầu tư dạng hợp đồng

Đây là mô hình quỹ tín thác đầu tư. Khác với mô hình quỹ đầu tư dạng công ty, mô hình này quỹ đầu tư không phải là pháp nhân. Công ty quản lý quỹ đứng ra thành lập quỹ, tiến hành việc huy động vốn, thực hiện việc đầu tư theo những mục tiêu đã đề ra trong điều lệ quỹ. Bên cạnh đó, ngân hàng giám sát có vai trò bảo quản vốn và các tài sản của quỹ, quan hệ giữa công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát được thể hiện bằng hợp đồng giám sát trong đó quy định quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong việc thực hiện và giám sát việc đầu tư để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư là những người góp vốn vào quỹ (nhưng không phải là cổ đông như mô hình quỹ đầu tư dạng công ty) và ủy thác việc đầu tư cho công ty quản lý quỹ để bảo đảm khả năng sinh lợi cao nhất từ khoản vốn đóng góp của họ.