Dragon Capital Vietfund Management (DCVFM) | Cập nhật hoạt động quỹ

Hỗ trợ nhanh
Hotline
1800 1203

Gói kích cầu lên tới 117.000 tỷ đồng

05/12/2008

Ngoài gói kích cầu 1 tỷ USD lấy từ nguồn quỹ dự trữ quốc gia, Chính phủ đã và sẽ thực hiện nhiều chính sách kích cầu nền kinh tế và tất cả các nguồn cộng lại lên tới 117.000 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông tin về kết luận của Thủ tướng Chính phủ: Năm 2008, trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế – xã hội thế giới và trong nước, Chính phủ đã kịp thời đề ra các giải pháp thích hợp, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Với sự quyết tâm, đoàn kết, chủ động, linh hoạt, kiên quyết, kịp thời và toàn diện trong chỉ đạo, các mục tiêu đề ra trên mọi lĩnh vực đều đã đạt được.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, năm 2008, nền kinh tế nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn do ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính, xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu cộng và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, thiên tai, lũ lụt. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 6,23%, kim ngạch xuất khẩu tăng 29,5%, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt 39%, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 399.000 tỷ đồng.
Việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, tiền tệ tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, nhập siêu giảm dần và các chỉ số về nợ nước ngoài đều trong giới hạn an toàn. Các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ đã tác động đến người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo có cuộc sống ổn định trong bối cảnh nhiều khó khăn. Cụ thể, Chính phủ đã chi 15 ngàn tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội; xuất không thu tiền 42.000 tấn gạo và nhiều thuốc men hỗ trợ những vùng gặp thiên tai, dịch bệnh. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: “Kết quả này đã thể hiện sự điều hành của Chính phủ, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định, đảm bảo các mặt an sinh xã hội”.
Tăng trưởng xuất khẩu: tín hiệu tích cực
Đặc biệt, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên 60 tỷ USD rất “ấn tượng”, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng ở sự ổn định và phát triển dài hạn của Việt Nam. Tại Hội nghị CG tổ chức vào đầu tháng 12.2008, các nhà tài trợ đã cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 5,014 tỷ USD.
Về công nghiệp và thương mại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận xét: năm 2008, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. Đây là một tín hiệu tích cực so với các năm trước. Nếu luôn duy trì được tốc độ này, cán cân thương mại sẽ dần được cân bằng. Kết quả xuất khẩu cả năm ước đạt 63 tỷ USD, so với 2007 tăng trên 29,5%. Trong khi đó kim ngạch nhập siêu là 17 tỷ USD, bằng khoảng 27% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cùng với việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất tiếp tục phát triển. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, thận trọng theo diễn biến của nền kinh tế. Tháng 12.2008, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống còn 8,5%; lãi suất tái cấp vốn xuống 9,5%… tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục hạ lãi suất đầu ra, giúp DN có điều kiện tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Chính sách tiền tệ linh hoạt
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, là một nền kinh tế có độ mở cao, lại phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, Việt Nam buộc phải có phản ứng linh hoạt, kịp thời và đúng đắn. Thông tin quan trọng về gói giải pháp tổng thể hơn 100.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD – bao gồm cả gói 1 tỷ USD công bố trước đó) cho việc kích thích nền kinh tế, nhận được sự quan tâm của báo giới.
Trả lời các câu hỏi xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, đi đôi với việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trực tiếp đầu tư phát tiển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ sẽ không thu về khoản 20.000 tỷ đồng tạm ứng của các DNNN năm ngoái; phát hành thêm khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ; để lại thuế thu nhập DN, hoãn, giãn, miễn giảm thuế chưa thu khoảng 20.000 tỷ đồng; khoản 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách năm ngoái chưa giải ngân hết sẽ tiếp tục được sử dụng trong nửa đầu năm 2009…; xây dựng trình Chính phủ Đề án xây dựng Quỹ nhà ở xã hội giai đoạn 2009- 2015, đảm bảo khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp.
Về gói kích cầu 1 tỷ USD, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, khoản kích cầu này sẽ có trọng tâm, trước mắt, hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng, ưu tiên DN nhỏ và vừa để giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng đã công bố một thông tin quan trọng về việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và tình hình dự trữ ngoại hối của nước ta. Theo đó, dự trữ ngoại hối trong điều kiện khó khăn vẫn duy trì được và có cao hơn một chút so với năm 2007 (cuối 2007 dự trữ ngoại hối có 20,3 tỷ USD). Thống đốc Giàu cũng cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã quyết định từ ngày 25.12 sẽ điều chỉnh tăng 3% tỉ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố hàng ngày làm cơ sở cho các Ngân hàng thương mại giao dịch mua bán ngoại tệ so với ngày 24.12. Biên độ cộng trừ 3% không thay đổi. Thống đốc Giàu nhấn mạnh, chính sách này sẽ được điều hành dài hạn chứ không phải một vài ngày. Đây là giải pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Để không lặp lại những tồn tại trong công tác điều hành, Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm và tổ chức tốt hơn công tác dự báo và phân tích kinh tế, coi trọng đúng mức, tổ chức chặt chẽ và phát huy có hiệu quả lực lượng nghiên cứu hiện có, có cơ chế thích hợp để tranh thủ ý kiến các chuyên gia nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến để bổ sung, điều chỉnh chính sách, giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Sự điều hành của Chính phủ có thể được gói gọn trong 10 chữ: Chủ động, linh hoạt, kiên quyết, kịp thời và toàn diện”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự chỉ đạo hiệu quả của Chính phủ trong năm 2008.
Tấn Thuấn – Thu Thảo nguồn Báo Đất Việt