Dragon Capital Vietfund Management (DCVFM) | Cập nhật hoạt động quỹ

Hỗ trợ nhanh
Hotline
1800 1203

E1VFVN30 – sản phẩm ETF tiên phong trên TTCK Việt Nam

06/10/2015

(ĐTCK) Cách đây một năm, ngày 6/10/2014, chứng chỉ quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý, mô phỏng trên chỉ số VN30 (Quỹ ETF VFMVN30) chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), với mã E1VFVN30, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chặng đường phát triển và đa dạng hóa sản phẩm mới trên TTCK Việt Nam.

Bên cạnh những sản phẩm niêm yết truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ đóng, TTCK đã có thêm chứng chỉ quỹ ETF, mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho thành viên thị trường và công chúng đầu tư.

Vào thời điểm triển khai, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 thu hút được sự quan tâm của NĐT bởi những kỳ vọng vào tính năng vượt trội của sản phẩm ETF, cũng như sự thành công của loại hình sản phẩm này trên thị trường tài chính thế giới trong những năm gần đây. Nếu như trước đây, các quỹ ETF ngoại như FTSE Vietnam ETF, Market Vectors Vietnam ETF thường mang đến sự sôi động cho thị trường, nhất là vào thời điểm các quỹ này tái cơ cấu danh mục, thì sự ra đời của quỹ ETF nội đầu tiên VFMVN30 càng tạo thêm tâm lý lạc quan về những thay đổi tích cực đối với thị trường.

Quỹ ETF VFMVN30 mô phỏng chỉ số VN30, chỉ số bao gồm những cổ phiếu niêm yết trên HOSE có quy mô vốn hóa và thanh khoản cao nhất được thị trường yêu thích. Chiếm khoảng 60% giá trị vốn hóa và trên 50% giá trị giao dịch toàn thị trường, các cổ phiếu trong rổ VN30 thường được NĐT nước ngoài chọn lựa và phần lớn đã hết “room”. Với đặc điểm không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, sự ra đời của chứng chỉ quỹ ETF nội hứa hẹn mở ra kênh tiếp cận mới cho NĐT nước ngoài, từ đó tạo nên sự sôi động và cải thiện thanh khoản cho thị trường cơ sở.

Tính từ thời điểm niêm yết (6/10/2014) đến 20/9/2015, tổng khối lượng giao dịch chứng chỉ quỹ ETF (cả khớp lệnh và thỏa thuận) bình quân đạt 177.000 ETF/phiên, tương ứng giá trị giao dịch 1,5 tỷ đồng/phiên. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối lượng giao dịch đạt khoảng 84.000 ETF/phiên, tương ứng giá trị giao dịch 630 triệu đồng/phiên. Mức giao dịch thấp nhất là 317 triệu đồng/phiên trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 6/2015, mức giao dịch cao nhất đạt 3,5 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2015. Đáng chú ý, trong tháng 8/2015, NĐT nước ngoài mua thỏa thuận hơn 10 triệu ETF.

Hoạt động giao dịch trên thị trường sơ cấp (giao dịch hoán đổi) dù không diễn ra thường xuyên, nhưng các NĐT cũng đã nhiều lần yêu cầu công ty quản lý quỹ phát hành thêm và mua lại chứng chỉ quỹ ETF, đặc biệt trong 3 tháng gần đây (7 – 9/2015), tổng khối lượng ETF được yêu cầu phát hành thêm là hơn 10 triệu ETF. Tại thời điểm 20/9/2015, tổng khối lượng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đang lưu hành đạt 34,8 triệu, tăng 72,28% so với lúc mới niêm yết, tương đương 14,6 triệu chứng chỉ quỹ ETF. Sự gia tăng tổng giá trị tài sản của quỹ ETF cho thấy, chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 đang dần được các NĐT quan tâm.

Quỹ ETF VFMVN30 cũng chứng tỏ được hiệu quả mô phỏng danh mục đầu tư, bám sát theo biến động của chỉ số tham chiếu khi giá trị chênh lệch giữa biến động giá trị tài sản ròng và biến động của chỉ số tham chiếu tính đến thời điểm hiện tại đang xoay quanh ở mức thấp (khoảng 1%).

Có thể thấy, tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ ETF trong khoảng thời gian đầu niêm yết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó nổi bật là các yếu tố sau:

l ETF là một sản phẩm mới ở Việt Nam nên cần có thời gian để các NĐT làm quen với sản phẩm này.

l Xu hướng giảm điểm của thị trường cơ sở sau khi niêm yết so với thời điểm IPO đã tác động trực tiếp đến giá trị tài sản ròng của quỹ, dẫn đến giá của ETF giảm, tác động đến tâm lý của NĐT.

l Chưa phát huy được vai trò của nhà tạo lập thị trường do quy định hiện hành không bắt buộc phải có tổ chức tạo lập thị trường đối với sản phẩm ETF.

l Quy định liên quan đến công bố thông tin, giao dịch ký quỹ và quy trình thanh toán trong giao dịch sơ cấp cũng góp phần làm ETF kém hấp dẫn đối với NĐT.

Mặc dù vậy, xét về đặc tính sản phẩm, ETF vẫn là sản phẩm thể hiện được nhiều ưu điểm và trở thành sản phẩm đầu tư hấp dẫn trên các thị trường tài chính thế giới hiện nay và thị trường Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Các ưu điểm đó là tính minh bạch và linh hoạt cao, chi phí thấp, khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư dễ dàng…

Quỹ ETF VFMVN30 chỉ là bước khởi đầu và cần thêm thời gian để xây dựng thói quen đầu tư của thị trường và cải thiện thanh khoản. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã có những nghiên cứu để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vai trò của tổ chức tạo lập thị trường cũng như khung pháp lý. Ngày 28/5/2015, CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) đã được HOSE chấp thuận trở thành tổ chức tạo lập thị trường đầu tiên cho quỹ ETF VFMVN30. Dự thảo sửa đổi Thông tư 74/2011/TT-BTC tạo điều kiện hơn cho tổ chức tạo lập thị trường được thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. Dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2012/TT-BTC đã quy định việc công bố thông tin theo hướng thông thoáng hơn đối với các NĐT ETF. Quy trình thanh toán cho các giao dịch sơ cấp cũng đang được cơ quan quản lý xem xét tháo gỡ.

Trong giai đoạn tới, với mục tiêu gia tăng số lượng sản phẩm ETF niêm yết mới, HOSE sẽ phối hợp với các công ty quản lý quỹ để phát triển các chỉ số cơ sở làm tài sản tham chiếu cho các quỹ ETF, đồng thời nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật liên quan đến giao dịch nhằm góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức ETF cho NĐT.