Dragon Capital Vietfund Management (DCVFM) | Cập nhật hoạt động quỹ

Hỗ trợ nhanh
Hotline
1800 1203

Củng cố sức mạnh, tăng sức đề kháng

09/10/2008

TTCK trong thời kỳ suy giảm cũng là cơ hội để các thành viên thị trường tái cấu trúc, củng cố sức mạnh nội tại, tăng sức đề kháng trước những tác động bên ngoài. Tại cuộc hội thảo “DN, ngân hàng, chứng khoán cùng tháo gỡ khó khăn trong thời kỳ lạm phát” vừa được tổ chức, nhiều CTCK đã nêu ý kiến đề xuất xây dựng TTCK lành mạnh, phát triển bền vững hơn. ĐTCK xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu.
“Tạo điều kiện cho việc mua – bán cổ phiếu quỹ” Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt
Trong hoạt động tư vấn cổ phần hóa, việc xác định cơ cấu vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP (vốn điều lệ không thấp hơn giá trị thực tế vốn nhà nước) đã gây khó khăn cho DN. Nguyên nhân là do giá trị phần vốn nhà nước thường được xác định tăng lên nhiều lần (đánh giá lại tài sản, lợi thế vị trí địa lý…) so với vốn nhà nước ban đầu. Trong khi đó, kế hoạch sản xuất – kinh doanh 3 – 5 năm sau cổ phần hóa dựa trên nền sản xuất cũ, tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Vì thế, hiệu suất hoạt động của DN sau cổ phần hóa thấp, khó đảm bảo việc trả cổ tức cho cổ đông nếu để vốn điều lệ cao.
Trong hoạt động phát hành và niêm yết, quy định chặt chẽ việc mua – bán cổ phiếu quỹ gây khó khăn cho các DN bình ổn giá khi cổ phiếu của DN giảm sâu. Các quy định cụ thể về phát hành riêng lẻ vẫn chưa được ban hành khiến DN lúng túng trong việc huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán riêng lẻ. Quá trình nộp hồ sơ niêm yết, phát hành chứng khoán gặp một số vướng mắc do chưa được quy định rõ ràng. Chính sách thắt chặt nguồn cung chứng khoán trong thời gian qua cũng gây khó khăn cho một số DN thực sự cần vốn hoặc có nhu cầu tái cấu trúc tài chính.
“Đa dạng loại hình đầu tư gián tiếp” Ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty liên doanh Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam
Hiện nay, có một số khó khăn mà NĐT đang phải đối diện. Trước hết là các số liệu thống kê vĩ mô đến thông tin hoạt động của các DN chưa mang tính định kỳ, đầy đủ và chính xác, đặc biệt thông tin chính thức từ các công ty đại chúng khiến NĐT khó đánh giá mức độ rủi ro và độ tin cậy trong các cơ hội đầu tư và dự án đầu tư. Do đó, cần tăng cường tính minh bạch trên thị trường thông qua cơ chế, chính sách, quy định ràng buộc cụ thể và chi tiết việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời; giám sát chặt chẽ các hoạt động công bố thông tin và giao dịch liên quan đến công ty niêm yết và công ty đại chúng.
Thứ hai là sự tham gia của NĐT vào thị trường còn hạn chế do thiếu tính đa dạng và linh động của các loại hình đầu tư gián tiếp. Chỉ với mô hình quỹ đầu tư dạng đóng như hiện nay là chưa đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư của các DN và cá nhân trong và ngoài nước. Do đó, cần xúc tiến sớm việc thành lập và quản lý hoạt động của quỹ mở.
Thứ ba, trước khó khăn của thị trường hiện nay, việc NĐT chỉ được mở một tài khoản đã làm giảm đáng kể nhu cầu giao dịch, thu hút NĐT vào thị trường. Cần cho phép NĐT, kể cả tổ chức và cá nhân, được mở nhiều tài khoản. Tuy nhiên, cần kiểm tra, kiểm soát để việc giao dịch của NĐT được thực hiện linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định của thị trường.
“Xem xét lại quy định về cho vay đầu tư chứng khoán” Ông Hà Huy Toàn, Giám đốc CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Cuối năm 2006, đầu năm 2007, khi TTCK tăng mạnh, NĐT đua nhau vay tiền ngân hàng để kinh doanh chứng khoán. Trước nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 03/2007/QĐ-NHNN nhằm hạn chế dòng vốn vay đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quyết định này bộc lộ một số bất cập cần điều chỉnh. Quyết định này đã cấm các ngân hàng không cho CTCK trực thuộc vay vốn, không phân biệt việc vay để đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, đầu tư vào trái phiếu chính phủ không những không tạo ra rủi ro cho thị trường tiền tệ, mà còn là công cụ để tăng thu cho ngân sách, góp phần hút tiền từ lưu thông – một biện pháp giảm lạm phát hữu hiệu. Vì thế, tôi cho rằng, không nên hạn chế ngân hàng cho CTCK vay vốn đối với hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ. Vấn đề là cần siết chặt kỷ cương tín dụng.
“Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho UBCK” Đại diện CTCK Sài Gòn
Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh chứng khoán, mở rộng cung cấp thông tin cho thị trường để TTCK ngày càng minh bạch. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường tiền tệ, tạo nền tảng cho TTCK phát triển bền vững. Phát triển cân đối các chức năng của TTCK, dành sự quan tâm đúng mức cho chức năng huy động vốn, không quá chú trọng cho chức năng lưu thông vốn qua việc chuyển quyền sở hữu. Có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở/TTGDCK, sao cho các công ty niêm yết thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện theo nguyên tắc “một cửa”. Hoạt động thanh tra, giám sát phải được đẩy mạnh. UBCK cần được giao quyền độc lập và chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với hoạt động của TTCK.
“Tích cực thông tin chính thức ra thị trường” Ông Lý Điền Anh, Giám đốc CTCK Ngân hàng Đông Á
Theo chúng tôi, cần cho phép giao dịch các loại chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai, quyền chọn, sử dụng tài sản ký quỹ. Bên cạnh đó là rà soát việc cung cấp thông tin tài chính, chứng khoán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan quản lý ngành chứng khoán và các Sở/TTGDCK thường xuyên có ý kiến trên các phương tiện truyền thông để giải thích kịp thời thắc mắc, trấn an dư luận và ngăn chặn tin đồn, đồng thời tuyên truyền phát triển TTCK.
Trích nguồn: ĐTCK-online