Dragon Capital Vietfund Management (DCVFM) | Cập nhật hoạt động quỹ

Hỗ trợ nhanh
Hotline
1800 1203

Cổ phiếu ngành nào sẽ trở nên hấp dẫn?

11/10/2008

Có thể thấy rằng cổ phiếu thuộc lĩnh vực lương thực và phân bón luôn có tính ổn định cao và là nơi “trú ẩn” an toàn đối với các NĐTdài hạn.
Những nơi “trú ẩn” an toàn
Nếu như có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh kinh tế thế giới để rồi nhìn lại triển vọng của thị trường Việt Nam, có thể thấy rằng cổ phiếu thuộc lĩnh vực lương thực và phân bón luôn có tính ổn định cao và là nơi “trú ẩn” an toàn đối với các NĐT dài hạn.

Bởi trên thực tế, cho dù bức tranh kinh tế thế giới có bị che phủ bởi những gam màu xám thì ngành lương thực vẫn luôn là cần thiết đối với nhu cầu của toàn xã hội. Trong khi đó, lĩnh vực phân bón hóa chất lại luôn cần thiết đối với ngành nông nghiệp nói chung.
Trên thực tế, thị trường phân bón của VN luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến cho giá phân bón bị đẩy lên cao và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2008, các DN kinh doanh mặt hàng này đã phải nhập khẩu hơn 2,5 triệu tấn phân bón mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu phân bón hiện vẫn đang được ưu tiên về các khoản vốn vay cũng như được hưởng sự ưu đãi về lãi suất vay ngân hàng.
Một ngành khác cũng đang chứa đựng rất nhiều tiềm năng để NĐT quan tâm, đó chính là cổ phiếu thuộc ngành cao su. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các ngành sản xuất khác chịu ảnh hưởng rất lớn từ chi phí nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, các DN hoạt động trong lĩnh vực cao su lại tỏ ra bình thản hơn tất cả bởi ngành chế biến cao su ít chịu tác động nhất từ yếu tố tăng giá nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, chi phí nhân công cũng là một lợi thế cạnh tranh đối với các DN sản xuất và chế biến cao su.
Không phải chịu nhiều tác động từ kinh tế vĩ mô, cao su lại là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của VN, các DN cao su như Công ty Cao su Tây Ninh (TRC), Công ty Cao su Đồng Phú (DPR) đều báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh khả quan.
Không thuộc nhóm hàng “hot” trên thị trường chứng khoán, nhưng cổ phiếu ngành cao su như Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC), Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Thống Nhất (TNC), Cao su Hòa Bình (HRC) và Cao su Tây Ninh (TRC) luôn mang tính ổn định cao.
Tuy nhiên, dù ít bị tác động bởi yếu tố kinh tế vĩ mô, nhưng các DN cao su lại luôn phải chịu tác động từ yếu tố giá xuất khẩu. Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm trong 5 ngày liên tiếp do đồng Yên tăng giá và lo ngại nhu cầu giảm do khủng hoảng tài chính ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Sáng 8/10 tại Tokyo, hợp đồng kỳ hạn giao tháng 3/2009 giá giảm 11,5 Yên hay khoảng 5,2% xuống chỉ 212,6 Yên/kg. Mặc dù vậy, ngành cao su của VN vẫn có lý do để lạc quan bởi đối thủ chính của họ là Thái Lan đang bị suy giảm nghiêm trọng về sản lượng cao su do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.
Vận tải biển hứa hẹn sự bùng nổ
Ngoài cổ phiếu thuộc những lĩnh vực trên, cổ phiếu thuộc lĩnh vực vận tải biển cũng chính là danh mục đầu tư hấp dẫn đối với các NĐT dài hạn. Theo đánh giá của Phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, lĩnh vực vận tải biển của VN đang rất có tiềm năng phát triển.
Ngoài nguyên nhân có vị trí vô cùng thuận lợi và Chính phủ đã chú trọng đến việc phát triển ngành vận tải biển Quốc gia thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Vận tải biển của VN còn có cơ hội phát triển vượt bậc từ những nguyên nhân như nền kinh tế VN tiếp tục phát triển nhanh sẽ đẩy mạnh giao thương giữa VN và các nước khác, khối lượng XNK của VN dự kiến đến năm 2010 sẽ đạt khoảng 108 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ đạt 210 triệu tấn. Đây sẽ là những tín hiệu khởi sắc tạo tiền đề cho ngành công nghiệp vận tải biển phát triển nhanh.
Ngoài yếu tố thuận lợi trên, với chủ trương thúc đẩy xuất khẩu cũng như hoạt động vận tải biển, ngành này cũng sẽ có cơ hội nhận được những ưu đãi về vốn và lãi suất cũng như các chính sách hỗ trợ khác để phát triển.
Nếu thực tế diễn ra theo đúng như phân tích trên thì những mã cổ phiếu thuộc ngành vận tải biển đang niêm yết trên cả hai sàn như PJT, PSC, PTS, PVT, SFI, VSP, VTO… đều có sức hấp dẫn đối với các NĐT.
Thực tế, những mã cổ phiếu này vốn đã sức hút bởi tính hiệu quả trong kinh doanh của mình. Cụ thể, “khủng long vận tải” VSP của Công ty Cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin thực sự gây ấn tượng mạnh khi chỉ sau 6 tháng đầu năm 2008, công ty này đã đạt lợi nhuận hơn 203,75 tỷ đồng, đạt 107,70% so với kế hoạch cả năm.
Cũng có một kết quả kinh doanh khá ấn tượng là CTCP Hàng hải Sài Gòn (mã chứng khoán SHC), dù chỉ là một công ty con của TCT Hàng Hải Việt Nam, nhưng công ty này đã đạt kế hoạch kinh doanh 6 tháng đầu năm khá ấn tượng khi đạt 74,26% kế hoạch của cả năm với mức lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài hai mã VSP và SHC, những mã cổ phiếu khác thuộc lĩnh vực vận tải biển cũng đang có tính thanh khoản rất cao bởi tính ổn định cũng như những triển vọng của ngành này.
Trích nguồn: InfoTV